(Một bài viết thực sự giá trị, hãy dành chút thời gian để đọc, chậm lại một chút và cảm nhận những thông điệp sâu sắc)

Hoang tàn, đổ nát, ngổn ngang, thiếu thực phẩm và nước uống trầm trọng đó là cảnh tượng diễn ra khắp nơi ở vùng đông bắc Nhật Bản sau thảm họa kép động đất lến đến 9 độ richter và sóng thần kinh hoàng ngày 11/3/2011. Truyền hình và báo chí khắp thế giới đã quay lại được hình ảnh những con sóng khổng lồ cuốn phăng đi nhà cửa, ô tô, tàu thủy, tất cả những gì khi nó đi qua. Nhưng trên tất cả đó là sự ngưỡng mộ và khâm phục của thế giới đối với người dân Nhật ứng phó sau thảm họa kép vừa diễn ra. Có rất nhiều những câu chuyện khiến cả thế giới nghiêng mình cảm phục vì tinh thần đoàn kết, tình người của người Nhật. Câu chuyện của một người được đặc phái để phụ giúp phân phát thực phẩm cho những người bị nạn sau đây cũng sẽ khiến cho nhiều người rơi lệ, ngưỡng mộ vì tinh thần tương thân, tương ái ngay thời khắc khốn khó nhất:

“Tối hôm qua tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó phân phát thực phẩm cho những người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng tôi chú ý đến một em nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc áo thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà em lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến lượt của em thì chắc chẳng còn thức ăn nên mới lại hỏi thăm.

Em kể khi đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của em làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường em nhìn thấy chiếc xe và cha bị nước cuốn trôi. Hỏi mẹ đâu, em nói nhà em nằm ngay bờ biển, mẹ và em em chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe hỏi đến thân nhân.

Nhìn thấy em nhỏ lạnh, tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người em nhỏ. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho em và nói: “Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói”. Cậu bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi tưởng em sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, cậu bé ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.

Ngạc nhiên vô cùng, tôi hỏi tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Cậu bé trả lời: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ“.

Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác khóc, để mọi người không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh. Một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại”.

Đó là một hình ảnh đẹp, một tấm lòng đẹp trong vô vàn những hình ảnh đẹp khắp nơi sau thảm họa. Bất chấp sự tàn phá, thiếu thốn trăm bề, khó khăn chồng chất, trắng tay khi cơ nghiệp đã bị cuốn phăng, tại những nơi hàng hóa được các tổ chức cứu trợ đưa tới, mọi người xếp hàng đúng trật tự, lịch sự, bình tĩnh và không có thông tin về các cuộc ẩu đả, xô đẩy hay tranh giành. Các siêu thị Nhật đã giảm giá mạnh, các chủ sở hữu máy bán hàng tự động đã mở cửa các máy bán hàng của họ để phân phát nước uống miễn phí cho các nhân viên cứu trợ, các nhân viên khẩn cấp và những người tình nguyện tham gia trợ giúp sau thảm họa.

Không có cảnh hôi của, nạn cướp bóc tại Nhật Bản đã khiến nhiều người phương Tây bất ngờ. Khác với các thảm họa thiên nhiên gần đây trên khắp thế giới, người Nhật  rất đoàn kết và cư xử có trật tự, thay vì tận dụng cuộc khủng hoảng để tư lợi cá nhân. “Tinh thần đoàn kết đặc biệt cao tại Nhật Bản. Sức mạnh xã hội có thể còn ấn tượng hơn sức mạnh công nghệ của Nhật Bản”, nhà báo Ed West viết trên tờ Telegraph của Anh. “Tại sao một số nền văn hóa đối phó với thảm họa bằng cách biến của cải của người khác thành của chính mình nhưng các nền văn hóa khác, đặc biệt là người Nhật, lại chứng tỏ lòng vị tha thậm chí trong thảm họa”. Theo ông Nicholas ở tờ New York Times thì đức tính cao thượng, tính kiên cường và thái độ tử tế đã ăn sâu vào văn hoá con người Nhật Bản. “Thời điểm thảm hoạ cũng là thời điểm mà tính chặt chẽ, kỷ luật của xã hội Nhật Bản cũng như sự kiên cường, dẻo dai của những con người nơi đây toả sáng. Và tôi tin rằng, người Nhật nhìn chung sẽ đoàn kết bên nhau. Vì thế, có lẽ chúng ta có thể học được chút ít gì đó từ Nhật Bản. Nói tóm lại, trái tim của chúng tôi đang hướng về Nhật Bản và chúng tôi xin gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc nhất về thảm hoạ vừa rồi. Chúng tôi cũng xin bày tỏ sự ngưỡng mộ lớn nhất dành cho những con người Nhật Bản”.

Bản chất con người sẽ bộc lộ rõ trong gian khó, khi phải đối diện với những nhu cầu tối thiểu để sinh tồn. Sự bộc lộ tính cách của người Nhật sau thảm họa ánh lên vẻ đẹp rạng ngời của cách sống tử tế. Chính sự tử tế hằn sâu trong tiềm thức mỗi con người được trui rèn qua năm tháng đã tôn lên vẻ đẹp tâm hồn, nhận được sự tôn trọng của mọi người. Bất cứ một xã hội nào, cũng rất cần những nhân cách tử tế. Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan người đặc biệt gần gũi, quan tâm và được giới trẻ Việt Nam ngưỡng mộ đã chia sẻ sau những chiêm nghiệm cuộc đời: “Giá trị sống thì có nhiều và không nhất thành bất biến, chúng thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh, giai tầng… Nhưng có những giá trị vĩnh cửu được gọi chung là cái thiện, cái tử tế, cái con người”. Ông luôn khuyên giới trẻ, làm gì thì làm, trước tiên hãy là người tử tế. Đó là phẩm chất quan trọng để mỗi người vượt qua những cám dỗ trước mắt, để dấn thân cho những điều đáng làm, tốt đẹp cho tương lai. Chúng ta cần chuẩn bị những giá trị sống, ý niệm gì để hình thành nên phẩm chất của sự tử tế? Sự tử tế sẽ được nuôi dưỡng trong tâm hồn mỗi chúng ta khi: 

  • Có lý tưởng và hướng đến những giá trị sống ý nghĩa
  • Mỗi con người tử tế sẽ hình thành một xã hội văn minh
  • Vượt qua cám dỗ, bến đỗ của tử tế
  • Luôn dặn lòng: mặc kệ thị phị, làm chi cũng phải tử tế
  • Thứ tha, bài ca hạnh phúc
  • Tử tế là lúc ta sống có trách nhiệm với lời nói, hành động của mình
  • Sống trên đời, vay trả, trả vay
  • Không tiếp tay, không tham gia, không cổ vũ những hành động sai trái
  • Kiên định theo con đường đã chọn
  • Không ngừng hoàn thiện bản thân

Mỗi ngày chúng ta nghe rất nhiều thực tế phũ phàng: thực phẩm bẩn, trái cây ngâm hóa chất, xăng giả, báo lá cải đăng những tin giật gân… đến những việc tày trời khác. Cội rễ sâu sa của những việc làm đó xuất phát từ việc thiếu tử tế, “nhiễm độc tâm hồn”, đặt lợi ích trước mắt, cá nhân lên hàng đầu, mờ mắt vì lợi nhuận bất chính… đã khiến họ đang tâm gây ra những vấn nạn nhức nhối cho xã hội. Họ có thể rơi lệ vì một bộ phim xa xôi nào đó nhưng lại vô cảm với chính những điều họ đang gây ra. Có thể cấm bán, cấm kinh doanh những sản phẩm độc hại đó nhưng rồi chúng ta xuất hiện ở nơi khác chưa cấm. Chỉ khi sự thức tỉnh lương tâm, sự tử tế thôi thúc. Chắc chắn cuộc đời này sẽ đẹp biết bao bạn nhỉ! Rất may, đó chỉ là một sự cục bộ của một bộ phận nhỏ của xã hội. Chúng ta vẫn thường xuyên bắt gặp những lòng tốt của người dưng, những tinh thần, nghĩa cử cao đẹp thắm đượm tình người. Đó là cậu bé nhịn ăn sáng để quyên tiền gửi đồng bào lũ lụt, đó là những hình ảnh tiếp sức đến trường, đó là quỹ nối vòng tay lớn, đó là hiểu về trái tim, đó là tiếp sức mùa thi, đó là cậu bé cõng bạn đến trường cả chục năm… và vô vàn những con người thầm lặng ngày đêm góp mật xây đời. Niềm tin của chúng ta đã tìm được điểm tựa khi những chương trình như sống đẹp, quà tặng cuộc sống, vượt lên chính mình… trên báo chí, truyền hình đang cổ vũ cho những lối sống đẹp, nhân văn, tử tế. Những khóa học giàu ý nghĩa của Tâm Việt với khát vọng “Làm Tâm người Việt sáng hơn, Nâng Tầm người Việt cao hơn” hay của TGM với “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế”, những khóa tu… đã đánh thức được tình người, sự tử tế ở thế hệ trẻ. Những điều đó như những cơn gió mát lành, lan tỏa đến muôn nơi trên khắp quê hương Việt Nam này!

Mỗi chúng ta chỉ làm được những cái thường trực, hằn sâu, nhớ rõ. Sự tử tế cũng vậy, đó là một giá trị sống cao đẹp cần hình thành, nuôi dưỡng mỗi ngày trong chính mỗi chúng ta. Khi đó, những hành động và lời nói của chúng ta mới thực sự nhân văn, hòa ái. Thiết nghĩ, nếu những môn đạo đức, giáo dục công dân trở thành những bài học sống động, đẹp đẽ, gợi nhớ, mang lại sự rung cảm nơi trái tim mỗi người. Những bài học đẹp đẽ đó thường xuyên được bồi đắp mỗi ngày thì những mầm non tương lại của đất nước, thế hệ thanh thiếu niên sẽ trở thành công dân tốt, những con người sống đúng với giá trị đích thực của “Tiên học lễ, hậu học văn”. Xã hội tôn vinh những tấm gương người tốt việc tốt, tuyên truyền một lối sống lấy sự tử tế là gốc rễ, chủ đạo, khích lệ tinh thần sống đẹp chắc chắn sẽ mang đến một cuộc sống tươi đẹp cho toàn xã hội.

Chúng ta chỉ cảm nhận được hạnh phúc trọn vẹn mỗi ngày, thanh thản nếu chúng ta nuôi dưỡng trong tâm hồn mình giá trị sống tốt đẹp đó là sự tử tế. Sự tử tế là cội nguồn của hạnh phúc, là giá trị mà bạn vẫn hằng tìm kiếm bấy lâu nay. Sự tử tế chắp cánh cho bạn đạt được ước mơ, khát vọng của chính mình, mở lối cho bạn đi đến thành công. Sống tử tế đơn giản chỉ là biết ơn cuộc sống, trân trọng yêu thương chính bản thân mình, gia đình và xã hội, biết đón nhận và cho đi. Chỉ đơn giản thế thôi, cũng là hạnh phúc, bạn ạ!

Hãy sống như đời sông để biết yêu nguồn cội

Hãy sống như đồi núi vươn tới những tầm cao

Hãy sống như biển trào, như biển trào để thấy bờ bến rộng

Hãy sống như ước vọng để thấy đời mênh mông

Và sao không là gió, là mây để thấy trời bao la

Và sao không là phù sa rót mỡ màu cho hoa

Sao không là bài ca của tình yêu đôi lứa

Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư

(Trích Bài hát Khát Vọng

ST: Phạm Minh Tuấn, Thơ: Đặng Viết Lợi)

Written by